Web Cơ Bản

Thuộc tính background-image trong CSS

1) Thuộc tính background-image trong CSS

- Thuộc tính background-image dùng để thiết lập "hình nền" cho phần tử.

- Ví dụ:

Phần tử này có nền là hình các bông hoa

- Lưu ý: Đối với một phần tử HTML, phần diện tích được thiết lập hình nền sẽ bao gồm các thành phần:

  • border.
  • padding.
  • content.
  • (không bao gồm phần margin)

2) Cách sử dụng thuộc tính background-image trong CSS

- Để sử dụng thuộc tính background-image, ta dùng cú pháp như sau:

background-image: url(đường dẫn đến tập tin hình ảnh)|none|initial|inherit;

- Ta thấy giá trị của thuộc tính background-image có thể được xác định bởi một trong bốn loại:

url()

- Xác định đường dẫn đến một tập tin hình ảnh cụ thể mà bạn muốn dùng để làm hình nền cho phần tử.

(Đường dẫn ở đây có thể là đường dẫn tương đối hoặc đường dẫn tuyệt đối)

Xem ví dụ
none

- Xác định việc "không thiết lập hình nền cho phần tử"

- Giá trị này thường được sử dụng để ghi đè lên khi ban đầu phần tử đã được thiết lập hình nền.

Xem ví dụ
initial

- Sử dụng giá trị mặc định của nó.

(Mặc định thì phần tử không có hình nền, hay nói cách khác là trong suốt)

Xem ví dụ
inherit

- Kế thừa giá trị thuộc tính background-image từ phần tử cha của nó

Xem ví dụ

3) Một số kỹ thuật cần quan tâm

- Chúng ta có hai kỹ thuật dùng để thiết lập hình nền cho phần tử cần phải quan tâm:

  • Thứ nhất: Sử dụng nhiều hình ảnh để thiết lập hình nền cho phần tử.
  • Thứ hai: Hình nền kết hợp với màu nền.

3.1) Sử dụng nhiều hình ảnh để thiết lập hình nền cho phần tử

- Việc thiết lập hình nền cho phần tử không phải chỉ có thể sử dụng duy nhất một tấm hình, ta có thể dùng nhiều tấm hình bằng cách sử dụng nhiều giá trị url() (tấm hình nào được khai báo trước thì nó sẽ nằm đè lên tấm hình sau)

Ví dụ:

<!DOCTYPE html>
        <html>
        <head>
        <style type="text/css">
        body{
        background-image: url(../image/tree.png), url(../image/flower.gif);
    }
    </style>
    </head>
    <body>
    <h1>Tài liệu học Lập Trình Web</h1>
    </body>
</html>
Xem ví dụ

- Lưu ý: Việc sử dụng nhiều tấm hình để thiết lập hình nền cho phần tử chỉ thích hợp khi các tấm hình đó thuộc định dạng GIF hoặc PNG (loại hình ảnh mà có một số vị trí trong suốt). Nếu sử dụng loại hình không có phần trong suốt thì nó sẽ nằm đè hoàn toàn lên tấm hình bên dưới, khiến tấm hình bên dưới không được hiển thị.

Ví dụ:

<!DOCTYPE html>
        <html>
        <head>
        <style type="text/css">
        body{
        background-image: url(../image/pic1.jpg), url(../image/pic2.jpg);
    }
    </style>
    </head>
    <body>
    <h1>Tài liệu học Lập Trình Web</h1>
    </body>
</html>
Xem ví dụ

3.2) Hình nền kết hợp với màu nền

- Nếu bạn thiết lập hình nền cho phần tử bằng loại hình ảnh có một số vị trí trong suốt, thì khi đó bạn có thể sử dụng kết hợp với thuộc tính background-color để chèn màu nền vào những vị trí trong suốt, làm tăng tính sắc sảo cho nền của phần tử.

Ví dụ:

<!DOCTYPE html>
        <html>
        <head>
        <style type="text/css">
        div{
        border:1px solid gray;
        padding:180px 50px;
        font-size:30px;
        background-image:url(../image/flower.gif);
        background-color:#eee;
    }
    </style>
    </head>
    <body>
    <div>Tài liệu hướng dẫn học Lập Trình Web</div>
    </body>
</html>
Xem ví dụ

4) Giới thiệu sơ qua về "sự lặp lại của hình nền"

- Mặc định, hình nền sẽ xuất phát từ vị trí góc "phía trên - bên trái" của phần tử.

- Nếu hình ảnh dùng để làm hình nền cho phần tử có kích thước nhỏ hơn kích thước của phần tử thì hình nền sẽ tự động được lặp lại để lấp đầy diện tích của phần tử (Xem ví dụ)

- Chúng ta có thể thiết lập việc lặp lại của hình nền (lặp, không lặp, chỉ lặp theo chiều ngang, chỉ lặp theo chiều dọc, ...) bằng cách sử dụng thuộc tính background-repeat trong CSS.